A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI LƯU GIỮ NHỮNG LÀN ĐIỆU CHÈO QUÊ HƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội là chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dân ca và chèo vườn hồng Thủy Xuân Tiên, là một trong số ít những người vừa có thể sáng tác, biểu diễn và nắm vững kỹ thuật hát chèo ở Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ hiện nay.

Từ sân khấu không chuyên

Bà Thanh năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà yêu văn nghệ từ khi còn rất nhỏ, được đi biểu diễn văn nghệ trung thu ở thôn là bà thích lắm, háo hức từ đêm trước không ngủ được. 15 tuổi, bà lần đầu được ông nội dẫn đi xem chèo, từ đó bà yêu thích chèo, mong muốn được học hát chèo và được biểu diễn chèo cứ thế thôi thúc bà. Bà cuốn theo những lời hát, những tà áo tứ thân thướt tha, dáng đi uyển chuyển của những người diễn chèo từ lúc nào không hay. Nghe xong, bà về tự tập hát, tập diễn, chỗ nào không nhớ, không hiểu thì hỏi người khác. Với niềm đam mê chèo, cho nên bà thuộc các làn điệu rất nhanh, hát tròn vành rõ chữ. Lớn lên, khi những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền chiếm phần lớn thời gian và suy nghĩ của bà, niềm đam mê hát chèo bà đành gác lại một bên, nhưng tình yêu với chèo chưa bao giờ vụt tắt trong tim bà. Trải qua nhiều biến cố của cuộc sống, khi con cái trưởng thành, công việc thuận lợi, đời sống kinh tế trở nên tốt hơn, bà không chỉ lo được cho cuộc sống của gia đình, mà bà cùng với con gái mình xây dựng nên một doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩn hữu cơ với thương hiệu Karose, bà đã tạo công ăn việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hơn 50 công nhân trên địa bàn xã. Từ khi kinh tế phát triển, giúp đỡ được nhiều người có đời sống tốt hơn, bà lại tiếp tục nuôi tình yêu với nghệ thuật chèo.

Bà kể, khi bà còn nhỏ, chèo được nhân dân yêu thích, dù là những buổi tập ở chiếu làng, buổi nào cũng chật kín người xem. Bà vẫn còn nhớ như in các vở diễn như “Tấm Cám”, “Tống Trân-Cúc Hoa”, “Đôi ngọc lưu ly”… Vở diễn nào bà cũng xem một cách say sưa, bà có thể nhớ được lời hát chèo một cách trọn vẹn chỉ sau hai ba lần xem hoặc hát theo.

Năm 2021, bà Thanh đã kêu gọi các anh, chị, em có cùng đam mê nghệ thuật chèo tạo thành một nhóm tập luyện hát chèo để vừa giúp nhau sống vui, sống khỏe, sống có tích bên con cháu, gia đình, vừa góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của quê hương, đất nước, lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ. Được sự đồng thuận của anh, em, bạn bè, bà Thanh đã kêu gọi được 35 người tham gia tập luyện chèo thường xuyên tại nhà riêng của bà ở thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên. Do ảnh hưởng của dịch covid-19, bà Thanh và mọi người không được thường xuyên tập hát chèo cùng nhau, nhưng mọi người vẫn gọi điện qua zalo để cùng nhau “Hát chèo online”. Đến năm 2023, khi các thành viên trong nhóm có ý kiến, bà Thanh đã mạnh dạn đến gặp lãnh đaọ UBND xã Thủy Xuân Tiên trình bày nguyện vọng muốn được thành lập câu lạc bộ hát dân ca và chèo. UBND xã đã hết sức ủng hộ, động viên bà thành lập câu lạc bộ. Được sự nhất trí, đồng thuận của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các thành viên, Câu lạc bộ hát dân ca và chèo Vườn hồng Thủy Xuân Tiên chính thức được thành lập theo Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 12/8/2023 do Chủ tịch UBND xã Thủy Xuân Tiên ký. Từ đó đến nay, câu lạc bộ chính thức đi vào hoạt động.

Đến nay, bà Thanh đã sáng tác và biên soạn lại hơn 20 làn điệu chèo cổ, ông Nguyễn Văn Nhân, thành viên câu lạc bộ Hát dân ca và Chèo Vườn hồng Thủy Xuân Tiên nhận xét: “Bà Thanh là một người đa năng, có bề dày kiến thức về đời sống xã hội. Vì thế, những bài hát chèo bà Thanh biểu diễn luôn mang đậm hơi thở của đời sống đương đại. Bà cũng là người tâm huyết với chèo, mọi hoạt động của câu lạc bộ đều một tay bà lo toan, các thành viên trong câu lạc bộ chỉ cần chuyên tâm tập luyện, biểu diễn thật hay, còn lại mọi khó khăn phía sau đều là bà Thanh gánh vác”.

Đau đáu với chèo

Với những hoạt động tích cực của mình, bà Thanh cùng các thành viên trong câu lạc bộ đã có rất nhiều buổi biểu diễn thành công, được đông đảo nhân dân trong và ngoài xã biết đến. Bất cứ khi nào được mọi người mời biểu diễn, bà đều nhận lời nếu sắp xếp được thời gian, mọi chi phí cho công tác biểu diễn như mua trang phục, đạo cụ, phương tiện di chuyển, nơi ăn chỗ ở nếu biểu diễn ở xa, sinh hoạt của các thành viên đều do bà tự dùng tiền của cá nhân để trang trải. Các thành viên trong câu lạc bộ không phải đóng bất cứ một khoản phí nào. Bà chia sẻ, riêng tiền mua trang phục, đạo cụ cho câu lạc bộ từ khi thành lập đến nay là gần 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng) đều là bà tự lo, bà mong các thành viên trong câu lạc bộ yêu chèo, gắn bó với chèo, tham gia hát chèo mà không phải lo lắng chuyện vật chất. Có như thế thì khi biểu diễn mới “Phiêu” được, chỉ cần mọi người đam mê chèo thôi, còn những vấn đề khác, bà lo được hết. (Bà vừa kể vừa cười rất hạnh phúc).

Để giữ gìn được nghệ thuật chèo và lan tỏa tình yêu chèo đến với mọi người, theo bà Thanh, cách làm hiệu quả nhất hiện nay là sự quan tâm trực tiếp từ địa phương. Bà khẳng định rằng, nhờ có sự ủng hộ từ xã đến thôn, mà bà mới có sự quyết tâm xây dựng và duy trì câu lạc bộ Chèo đến nay và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở bài bản, có nghề để nâng cao hơn nữa chất lượng văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Với mỗi vở chèo, bà Thanh như sống cùng nhân vật, từng cảm xúc, hành động diễn ra từ tâm, chỉ cần nghe nhạc bà biết cách diễn để nhạc, lời hát và hồn hòa nhập vào nhau. Chất giọng của bà đẹp không chỉ nhờ năng khiếu bẩm sinh mà còn là nhờ luyện tập kiên trì, bền bỉ, biết luyến láy, sáng tạo đổi tông giọng, nên mỗi khi hát một làn điệu chèo thì ai cũng đều say mê. Các vai dù là nam, nữ chính hay lệch, vai diễn nào cũng được bà chuẩn bị chau chuốt, cẩn thận từ khâu hóa trang, trang phục, đến cách nhập vai sống động. Bà Thanh còn chia sẻ thêm: Người hát chèo phải biết kết hợp chặt chẽ nghệ thuật diễn xuất với những tình cảm và hành động thực sự để đạt được hiệu quả sân khấu. Từng làn điệu chèo cũng có tính chất khác nhau để cho phù hợp với tâm trạng, tính cách của nhân vật. Múa của chèo là sự kết hợp của múa cổ điển, múa trang trí, ước lệ, tượng trưng, cách điệu, làm sao nhịp nhàng uyển chuyển với lời hát và âm nhạc. Với sự nhiệt huyết và khả năng của mình, bà Thanh được người dân trong thôn và các vùng lân cận tín nhiệm. Không chỉ tham gia tích cực ở phong trào của thôn Xuân Sen và xã Thủy Xuân Tiên, bà Thanh cùng câu lạc bộ còn tham gia biểu diễn ở huyện Chương Mỹ và các tỉnh thành lân cận.

Không chỉ biểu diễn, giữ gìn làn điệu chèo, bà Thanh còn đam mê truyền dạy chèo cho mọi người, nhất là các thế hệ trẻ là các công nhân đang làm việc tại công ty của gia đình bà, mỗi tuần làm việc, bà đều dành ra một ngày trong tuần cho công nhân nghỉ ngơi, xem câu lạc bộ biểu diễn chèo và học hát chèo. Những ngày nghỉ này bà vẫn trả lương đầy đủ cho công nhân, mọi người đều rất hào hứng và say sưa xem bà biểu diễn. Lớp dạy hát chèo của bà lúc nào cũng đông vui, tràn ngập tiếng cười. Mọi người được bà truyền dạy lại tiếp tục tham gia các câu lạc bộ dân ca, mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cho phong trào văn nghệ chúng. Đó chính là nguồn động viên lớn để bà ngày càng nỗ lực truyền dạy và gìn giữ nghệ thuật chèo của quê hương đất nước.

Những nỗ lực của bà Thanh đã và đang góp phần gìn giữ, bảo tồn những điệu hát chèo cũng như lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống tới cộng đồng, để những làn điệu truyền thống không bị mai một theo dòng chảy của cuộc sống. 


Tác giả: Nguyễn Thị Vân - CC VHXH
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 63
Hôm qua : 79
Tháng 11 : 1.794
Tháng trước : 2.971
Năm 2024 : 34.689