• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện Chương Mỹ

Du lịch phát triển mang lại hiệu quả về nhiều mặt, không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, huyện Chương Mỹ đang nỗ lực phấn đấu, từng bước đưa ngành du lịch phát triển bền vững.

Chương Mỹ - Miền đất giàu tiềm năng

Chương Mỹ là huyện ngoại thành, nằm ở phía Tây nam Hà Nội, cách thủ đô 20km. Tổng diện tích tự nhiên của huyện trên 237 km2, là huyện có diện tích lớn thứ 3 của thành phố, dân số 339.469 người. Toàn huyện có 30 xã và 02 thị trấn. Trung tâm hành chính của huyện đóng tại thị trấn Chúc Sơn.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tuyến Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh chạy qua đã giúp cho huyện trở thành đầu mối và cầu nối giao thương quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh vùng Tây Bắc; giữa Hà Nội với các tỉnh thành phía Nam. Bên cạnh đó, còn có đường đê Đáy, đường 419 nối liền các xã trong huyện và nối với các huyện của thành phố.

Hồ Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ

Đồi Bù, thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến

Chương Mỹ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa mang đặc trưng của vùng bán sơn địa có núi, sông, hồ, đồng, bãi, kết hợp với hệ thống sông Bùi, sông Tích phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông. Huyện có tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với tài nguyên du lịch tự nhiên như: hồ Văn Sơn, hồ Đồng Sương, Đồi Bù… thu hút được rất nhiều du khách gần xa.

Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học với nhiều làng khoa bảng, giàu truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước, được lưu truyền sử sách như nữ tướng Vĩnh Hoa, Lang Nương, Vĩnh Nương, Chu Tước trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; các danh nhân: Ngô Sỹ Liên, tác giả Đại Việt Sử ký toàn thư; Thám hoa Đặng Ma La đỗ đạt khi mới 14 tuổi, Đô đốc Đặng Tiến Đông tên tuổi gắn liền với chiến thắng Đống Đa lịch sử… Đặc biệt là chiến thắng Tốt Động – Chúc Động của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt giặc Minh trên dòng sông Ninh (sông Đáy) tại bến Ninh Kiều (Ninh Sơn), được Nguyễn Trãi khắc họa trong Bình Ngô Đại Cáo: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm/Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu”.

Huyện Chương Mỹ có tổng số 374 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được đưa vào danh mục quản lý, trong đó có 174 di tích được xếp hạng, (33 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 141 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố), 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 98 di sản văn hóa phi vật thể địa phương. Những di tích nổi tiếng như: Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian…

Một số Di tích trên địa bàn huyện

 

Hiện nay, mỗi năm, trên địa bàn huyện có 88 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau diễn ra tập trung chủ yếu vào mùa xuân (từ tháng giêng đến tháng 3 Âm lịch) nhiều lễ hội đã khôi phục được các phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị. Có 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ hội Bơi chải đình Lưu Xá, xã Hòa Chính. Những lễ hội này không chỉ thu hút người dân trong huyện mà còn thu hút du khách thập phương về trẩy hội.

Đến với các vùng quê của Chương Mỹ, ngoài những những ngôi đền, chùa nổi tiếng, du khách còn được tham dự và chứng kiến nhiều lễ hội đậm chất văn hóa vùng miền như: Lễ hội truyền thống đình làng Tốt Động, xã Tốt Động; Lễ hội truyền thống làng văn hóa Tràng An, Lễ hội truyền thống làng Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn; Lễ hội truyền thống đình làng Thụy Dương, xã Thụy Hương; Lễ hội làng Yên Cốc, xã Hồng Phong… Lễ hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia luôn được ưu tiên bảo vệ nhằm gìn giữ nét sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của huyện Chương Mỹ. Xen kẽ trong các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ, những trò chơi truyền thống như tổ tôm, đánh cờ người, đập niêu, bắt vịt ao đình, kéo co, đấu vật…

Chương Mỹ cũng là cái nôi của làng nghề mây, tre, giang đan nên có rất nhiều sản phẩm hàng hóa độc đáo, đặc trưng có sức lôi cuốn khách du lịch đến tham quan làng nghề. Hiện nay ở huyện Chương Mỹ có 175 làng có nghề, trong đó có 35 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Nổi bật là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, làng nghề nón lá Văn La, xã Văn Võ; làng nghề mộc Phù Yên, xã Trường Yên; làng nghề chạm khắc đá xã Phụng Châu….

Một số sản phẩm Ocop của huyện phù hợp làm quà tặng du lịch

Chương Mỹ cũng là miền có nhiều sản phẩm Ocop, phù hợp làm quà tặng du lịch như: Trứng gà Tiên Viên của Công ty Cổ phần Tiên Viên; Trà Hoàn ngọc túi lọc SADU, Trà túi lọc Cà gai leo SADU của Công ty CPNN công nghệ cao Thăng Long; Bưởi diễn Trung Hòa; Bưởi Diễn Nam Phương Tiến; Các loại rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn…………

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Chương Mỹ cần định hướng phát triển du lịch bền vững theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; Du lịch thể thao – vui chơi giải trí; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch làng nghề……

Nỗ lực đánh thức tiềm năng

Trong những năm qua, công tác phát triển du lịch của huyện tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo; huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay; tạo sự đồng thuận, nhất quán về quan điểm phát triển du lịch để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Huyện đã chỉ đạo rà soát, cung cấp thông tin đề nghị Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu, quảng bá, công bố chuẩn hóa bài thuyết minh về 03 điểm di tích chùa Trầm (xã Phụng Châu), chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương), làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa). Phối hợp với Sở Du lịch khảo sát, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị công nhận một số khu, điểm du lịch có tiềm năng. Tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện tại các xã: Trường Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến và Tốt động; lắp đặt bảng mã QR tại di tích chùa Trầm, chùa Trăm gian và nhiều di tích trên địa bàn để quảng bá hình ảnh di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh với du khách đến thăm quan.

Cùng đó, huyện nỗ lực xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, phát triển tăng cường giao lưu và hợp tác văn hóa: đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch của huyện qua các kênh truyền hình, hệ thống cổng thông tin điện tử, báo, đài, các sự kiện nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tạo cơ hội giao lưu học hỏi, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch. Phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện Fetival, hội chợ hàng nông sản và các sản phẩm đặc trưng của huyện; tham gia hội chợ triển lãm và các chương trình xúc tiến du lịch do Thành phố tổ chức.

Ngoài ra còn tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa góp phần phát triển kinh tế, xã hội; quảng bá hình ảnh, vùng đất con người Chương Mỹ với những sản phẩm, thương hiệu đặc trưng riêng biệt, hấp dẫn, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân. Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan, cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, dịch vụ vui chơi giải trí... tại các điểm du lịch trong huyện. Phát huy tích cực công tác xã hội hoá trong xây dựng các cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du lịch... Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương và sản xuất các sản phẩm hàng hóa khác phục vụ khách du lịch. Triển khai bổ sung quy hoạch và thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Khu nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh (khu di tích Chùa Trầm, xã Phụng Châu); dự án đường giao thông vào chùa Trầm; xây dựng nhà tưởng niệm danh nhân Ngô Sĩ Liên tại thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa; lập quy hoạch chi tiết cụm di tích Chùa Trầm - Chùa Vô Vi - Chùa Trăm Gian để quản lý và phát huy điểm đến, phát triển du lịch.

Là một vùng đất giàu tiềm năng nhưng có một thực trạng là du lịch huyện Chương Mỹ chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng đó. Các địa phương cũng chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết các di sản văn hóa, làng nghề với du lịch. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, nhất là việc phát triển hạ tầng. Các di tích lịch sử chưa được đầu tư, khai thác và nâng tầm thỏa đáng để phát triển. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chưa xây dựng, tổ chức được các tour tuyến du lịch đến Chương Mỹ; chưa mang lại sự thỏa mãn và hấp dẫn du khách…. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm phát triển du lịch… 

Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành Du lịch. Tập trung sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, độc đáo về tham quan – trải nghiệm, nghỉ dưỡng – ẩm thực, giao lưu văn hóa – đồ lưu niệm để hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng thức nét đẹp cảnh quan.

Xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Chương Mỹ; khuyến khích doanh nghiệp du lịch gắn kết du lịch chùa Trăm Gian, chùa Trầm với các điểm du lịch văn hóa tâm linh khác như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương…

Xây dựng chính sách khuyến khích các làng nghề truyền thống phát triển gắn với bảo vệ môi trường để huyện có thể phát huy giá trị trong phát triển du lịch bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện về kinh tế – văn hóa – xã hội. Và tạo điều kiện để huyện có thể khai thác và áp dụng những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch.

Tăng cường sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp du lịch trong việc tạo tour kết nối các điểm đến, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc du khách và sự phát triển của thị trường.

Để thu hút du khách cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt có tính trải nghiệm, tương tác cao, phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của địa phương. Trước mắt cần tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp và du lịch di tích văn hóa. Trong đó, tập trung xây dựng các khu cụm du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực Chúc Sơn, hồ Văn Sơn, hồ Đồng Sương, khu vực cảnh quan lưu vực sông Bùi; đầu tư các khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Trăm Gian – chùa Trầm; phát triển các tuyến du lịch làng nghề tại phía Bắc quốc lộ 6, tuyến du lịch sinh thái dọc phía Nam đường Hồ Chí Minh hiện trạng, tuyến du lịch văn hóa cộng đồng dọc sông Đáy; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội phát triển du lịch gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái, làng nghề truyền thống hiện có trên địa bàn.

Chú trọng công tác tôn tạo, bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, tránh tình trạng khôi phục nhưng lại làm mất đi các giá trị lịch sử vốn có của di tích. Đồng thời, cần tăng cường quản lý di tích, bảo vệ danh lam, thắng cảnh. Phát huy giá trị các di tích để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.


Tác giả: Nguyễn Huế
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 73
Hôm qua : 124
Tháng 05 : 1.298
Tháng trước : 3.843
Năm 2025 : 17.056