A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe”

Hiện nay, Công an huyện Chương Mỹ đã và đang triển khai quyết liệt việc xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Cách xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng, không vùng cấm, kết hợp với tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông.

Trong đợt Cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân năm 2024, Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện đã tổ chức 353 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử phạt trên 470 trường hợp vi phạm Luật an toàn giao thông, nộp kho bạc nhà nước trên 1,4 tỷ đồng. Đáng nói, các lỗi chủ yếu là vi phạm nồng độ cồn với 171 trường hợp, trong đó có 159 trường hợp vi phạm là lái xe mô tô và 12 trường hợp vi phạm là lái xe ô tô. Việc xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong những ngày Tết, góp phần mang lại một mùa xuân mới vui tươi, đầm ấm và trọn vẹn trên địa bàn.

Công an huyện Chương Mỹ tổ chức ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết

Năm 2023, Công an huyện đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm quy định trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy và mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; Kế hoạch số 292/KH-CACM-CSGT về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Chương Mỹ; Kế hoạch số 02/KH-CACM-CSGT ngày 3/1/2023 về tăng cường, xử lý vi phạm theo Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”... Nhờ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Theo thống kê, năm 2023, toàn huyện xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông làm chết 27 người, bị thương 84 người (giảm về số vụ, số người chết so với năm 2022).

Uống rượu, bia là một nét văn hóa, vì vậy uống rượu, bia không hoàn toàn xấu nhưng uống cần chừng mực và đã uống thì không điều khiển phương tiện giao thông. Thói quen "nâng ly", sử dụng bia, rượu trong những lần gặp mặt, liên hoan, vào những dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành tập tục từ lâu của người dân, thậm chí là một phần trong nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, đã uống bia, rượu rồi lại điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn, gián tiếp hoặc trực tiếp nguy cơ gây tai nạn giao thông cho bản thân và cộng đồng, là hành vi không thể chấp nhận được và cần phải loại bỏ triệt để.

Thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được một bộ phận số đông thừa nhận là rất khó, nhưng để hình thành thói quen mới, trong trường hợp này là "đã uống rượu bia thì không lái xe", còn khó hơn nhiều.

Cách đây 16 năm, vào tháng 12/2007 quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy chính thức có hiệu lực. Với quốc gia xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu như ở nước ta thì quy định này vấp phải rất nhiều trở ngại và ý kiến trái chiều.

Thực tế đã chứng minh, quy định đội mũ bảo hiểm từ khi thực hiện đã làm giảm hàng trăm nghìn ca chấn thương đầu, cứu sống hàng chục vạn người, đến nay thói quen đội mũ bảo hiểm đã tạo thành nét văn hóa giao thông trong Nhân dân. Điều này có được là nhờ việc thực thi luật giao thông đường bộ nghiêm ngặt cùng các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn giao thông.

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2023, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang vào cuộc tích cực với mục tiêu xây dựng và hình thành thói quen văn hóa khi tham gia giao thông “đã uống rượu, bia - không lái xe”. Chiến dịch này được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao và thực sự đi vào đời sống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy 16 năm trước.

Điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia, thời gian qua, với quyết tâm xây dựng văn hóa giao thông từ việc xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, UBND huyện cùng các ban, ngành đã vào cuộc với quyết tâm cao, tạo khí thế và chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm 2024.

Việc cấm rượu, bia trong lúc lái xe là một quy định văn minh và nhân văn. Văn minh ở chỗ xác định vị thế của con người không uống rượu, bia để làm chủ phương tiện. Nhân văn vì nó bảo vệ sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, bảo vệ chính sức khỏe người tham gia giao thông, an sinh của cả gia đình, xã hội... Xử lý nghiêm, không vùng cấm, không nể nang biểu hiện thái độ của người quản lý điều hành trong việc điều chỉnh các hành vi xã hội, mang tính công bằng, dân chủ. Và chủ trương nghiêm cấm việc các cấp lãnh đạo can thiệp vào quá trình thực thi pháp luật là chủ trương đúng đắn và cần được duy trì, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

Tất cả những việc này đang tạo nên một nét văn hóa giao thông đầy tích cực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của xã hội. Chưa khi nào khẩu hiệu “đã uống rượu, bia - không lái xe” được thực hiện một cách triệt để như hiện nay. Điều đó cũng khẳng định được hiệu quả của việc tuyên truyền tác hại rượu bia, đang góp phần xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”.


Tác giả: Vũ Liên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 45
Hôm qua : 108
Tháng 07 : 1.891
Tháng trước : 2.626
Năm 2025 : 23.284