A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa các loại tội phạm trộm, cướp, cướp giật tài sản tại các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý và tội phạm lừa đảo công nghệ cao trên địa bàn huyện

Thời gian qua, tình hình tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản đã, đang có nhiều diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn ngày càng liều lĩnh, manh động. Nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm, Công an huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tuyên truyền trực tiếp đến từng cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý trên địa bàn quản lý.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện trong thời gian vừa qua nổi lên các loại tội phạm gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đa phần có tuổi đời rất trẻ, bỏ học, lười lao động, thích hưởng thụ. Nguy hiểm hơn các đối tượng còn lập các hội, nhóm trên các trang mạng xã hội để kêu gọi, hẹn gặp nhau tại các địa điểm công cộng, tập trung đông người để cùng nhau bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội hoặc tổ chức đua xe, nẹt pô, sử dụng các đồ vật, hung khí nguy hiểm để gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện và một số địa bàn lân cận.

Cơ quan công an khuyến cáo các cơ sở kinh doanh vàng và người dân nâng cao đề phòng cướp giật trong thời điểm vàng tăng giá (ảnh minh họa)

Đặc biệt, thời điểm vàng đang tăng giá như hiện nay, các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý (tài sản có giá trị) cần phải hết sức cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Đối với các đối tượng phạm pháp, nhóm tội phạm trộm, cướp, cướp giật tài sản hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa đối với các loại tội phạm trên, Công an huyện khuyến cáo các đơn vị, các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý, nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trộm, cướp, cướp giật tài sản.

Bên cạnh việc trang bị các kiến thức cơ bản về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cướp, trộm cắp tài sản, các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp, trộm cắp tài sản. Trong đó cần phải trang bị hệ thống bảo vệ như hệ thống camera, báo động, cảnh báo để bảo đảm an toàn phòng ngừa các hành vi đột nhập. Khi có các vụ việc xảy ra, cần chủ động kết nối với cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời. Đối với hệ thống camera giám sát, hệ thống cảnh báo cũng phải đảm bảo hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu giám sát, bảo vệ an ninh an toàn.

 Hiện nay, việc lắp đặt các thiết bị kỹ thuật phòng, chống tội phạm tại các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm cướp, trộm cắp tài sản. Đây được coi là biện pháp nhanh nhất để kết nối các cơ sở kinh doanh với lực lượng công an nhằm kịp thời xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.

Khi lắp đặt hệ thống camera giám sát phải đảm bảo khả năng theo dõi, giám sát bên trong, bên ngoài, video thu được hình ảnh có độ phân giải cao, rõ nét; khi xảy ra vụ việc phải quan sát được đặc điểm đối tượng, phương tiện di chuyển của đối tượng... Đặc biệt là hướng tẩu thoát của đối tượng để kịp thời trình báo, phối hợp cùng cơ quan chức năng và nhân dân truy tìm, truy bắt đối tượng. Ngoài ra, cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát để thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Cùng đó, chủ cơ sở cần gia cố hàng rào, khóa, khuy khóa cửa, đảm bảo hệ thống cửa chính được khóa bên trong; có vách ngăn chịu lực trong suốt, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa nhân viên với khách hàng đến giao dịch. Bố trí đội ngũ nhân viên, bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhẹn, được đào tạo, tập huấn, có kỹ năng xử lý tình huống, được trang bị công cụ hỗ trợ pháp luật cho phép sử dụng để nâng cao khả năng đối phó khi bị tội phạm tấn công.

Với việc đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật phòng, chống tội phạm cướp, trộm cắp tài sản sẽ góp phần thiết lập thêm cơ chế, kênh thông tin gắn kết giữa lực lượng công an các cấp với các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý trong phòng, chống tội phạm. Triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm nhằm phát hiện tội phạm từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn huyện.

Theo Công an huyện Chương Mỹ, hiện nay, tình hình các loại tội phạm có diễn biến phức tạp, chúng sử dụng phương thức thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, hoạt động có tổ chức, có sự liên kết chặt chẽ với nhau, áp dụng khoa học - kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội.

Mới đây nhất một người phụ nữ trên địa bàn huyện bị mất 500 triệu đồng khi làm định danh mức 2 online.

Trước đó, ngày 16/10, chị H sinh năm 1989 trú tại huyện Chương Mỹ nhận được cuộc gọi của một đối tượng thông báo tài khoản VNeID của con trai chị chưa được kích hoạt mức 2. Qua điện thoại, đối tượng hướng dẫn chị cài đặt phần mềm Dịch vụ công, chụp ảnh Căn cước công dân, xác thực khuôn mặt, quét mã QR và vân tay. Sau khi thao tác, chị H phát hiện tài khoản ngân hàng bị chuyển mất 500 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Cũng theo lực lượng Công an, thủ đoạn gọi điện hướng dẫn người dân làm định danh điện tử (VNeID) mức 2 không phải thủ đoạn mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí, mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" thủ đoạn này. Các đối tượng giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo Căn cước công dân bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, định danh mức 2, rồi yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp. Do từ ngày 01/7/2024, các ngân hàng đã triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến nên các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dân chụp ảnh Căn cước công dân, xác thực khuôn mặt. Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo và xác thực sinh trắc học, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ, tự xưng cơ quan Nhà nước, Công an

Để phòng tránh lừa đảo, người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Việc kích hoạt định danh điện tử mức 2 phải được thực hiện tại trụ sở Công an xã, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước chứ không làm online. Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ, tự xưng cơ quan Nhà nước, Công an; không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP... cho người lạ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm. Không cài đặt phần mềm giả mạo để tránh nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 61
Hôm qua : 84
Tháng 11 : 551
Tháng trước : 2.971
Năm 2024 : 33.446