A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Phạm Gia Giáo – Người Đảng viên cao niên luôn hết lòng với các phong trào địa phương

Biết đến ông Phạm Gia Giáo trong vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản thơ luật Đường Việt Nam - Huyện Chương Mỹ với những áng thơ giàu cảm xúc mà tinh tế, ít ai nghĩ rằng ông từng là một Đại tá với gần 40 năm công tác trong quân đội. Trong quá trình công tác và cả khi nghỉ hưu theo chế độ của nhà nước, ông có 2 lần vinh dự được nhận Huân chương do Chủ tịch nước trao tặng, nhận 2 bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố và nhiều bằng khen, giấy khen.

 

 

Chân dung ông Phạm Gia Giáo.

Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm (76 năm tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng) nhưng khi gặp gỡ ông Phạm Gia Giáo ai cũng cảm nhận sự vui vẻ, nhanh nhẹn và nhiệt huyết. Ông tâm sự: màu xanh áo lính với ngôi sao vàng trên mũ luôn là mơ ước của bao thanh niên thời bấy giờ, trong đó có người thanh niên trẻ Phạm Gia Giáo. Năm 1966, khi vừa sang tuổi 18 – ông vinh dự được tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp ngành chế tạo máy, ông đã được phân công về giảng dạy tại trường Công nhân kỹ thuật 1 – Cục Quản lý Xe-Máy, thuộc Tổng cụ Hậu cần quân đội. Từ đây cuộc đời binh nghiệp của ông luôn gắn liền với vai trò của 1 nhà giáo. Vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành, vừa học hỏi nâng cao trình độ, nhưng dù ở cương vị nào ông cũng luôn phát huy phẩm chất của Người lính cụ Hồ, phát huy truyền thống của quê hương, luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền ông luôn là giảng viên giỏi của trường và sớm được đề bạt lên các chức vụ cao hơn, với trọng trách nặng nề hơn. Có thời điểm ông là người phụ trách toàn bộ bài thực hành cho 2.000 học viên học tập tại trường.

Năm 1990, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Khoa Cơ điện, Trường Trung học Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Khoa đã phục vụ đào tạo cho hàng nghìn học viên kể cả học viên quân sự của nước bạn Lào, Campuchia. Với những nỗ lực cố gắng của cá nhân và tập thể khoa, Khoa cơ điện của trường liên tục đạt danh hiệu “Khoa quyết thắng”. Cá nhân ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, được Bộ giáo dục tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và nhiều bằng khen, giấy khen.

Gần 40 năm cống hiến trong Quân đội nhân dân, năm 2005 ông Phạm Gia Giáo được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Với suy nghĩ: Nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi, thả lỏng, về nghỉ hưu tại Thôn Xuân Thủy, xã Thủy Xuân Tiên ông lại tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Tại Đại hội Hội CCB xã Thủy Xuân Tiên năm 2006, ông được bầu tham gia Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban thường vụ Hội CCB xã và làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Xuân Thủy.

 

Ông tâm sự: đã không làm thì thôi, khi đã tham gia công tác thì phải luôn nhiệt tình, mang hết kinh nghiệm, bằng trách nhiệm của mình để xây dựng hội và Chi bộ CCB vững mạnh. Ban đầu, chi hội CCB của thôn mới chỉ có 90 hội viên, hoạt động chưa sôi nổi, sau khi ông làm Chi hội trưởng đã vận động được đông đảo hội viên tham gia. Sau 3 năm số hội viên đã tăng lên 260 đồng chí, gần gấp 3 lần số lượng ban đầu. Cũng từ đây phong trào văn  hóa văn nghệ, thể thao của hội, của thôn ngày một sôi động. Chi hội có thể tự biên tự diễn hàng chục tiết mục văn nghệ đặc sắc trong mỗi đêm diễn kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thủ đô và của địa phương.

Ông Phạm Gia Giáo (đứng thứ hai bên phải) nhận giải nhì tại cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam và lịch sử Đảng bộ xã Thủy Xuân Tiên nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên xã Thủy Xuân Tiên.

Được sự tin tưởng tín nhiệm của cấp trên và nhân dân, năm 2008 ông làm Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy của xã, liên kết với Công an huyện, công an xã trong phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy ở địa phương. Với vai trò trách nhiệm của mình hàng tháng ông đều tổ chức họp các thành viên trong đội, phân công rõ nhiệm vụ cho 25 thành viên trong việc tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội và ma túy trên địa bàn. Đội đã tiếp cận tư vấn trực tiếp, gián tiếp, vận động người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện; tiếp tục duy trì quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và người có nguy cơ cao mắc nghiện tại địa phương và tiếp nhận quản lý giúp người đi cai nghiện tại các cơ sở về. Đồng thời cung cấp các tin liên quan đến tệ nạn xã hội; tuần tra, rà soát địa bàn phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm. Đội công tác xã hội tình nguyện do ông làm đội trưởng được ví như “cánh tay” nối dài của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở. Trong thời gian này, ông đã 2 lần được nhận bằng  khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Với sự tín nhiệm của cán bộ, Đảng viên trong xã, năm 2012, ông Phạm Gia Giáo tiếp tục được tín nhiệm bầu tham gia Ủy viên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã. Với những kinh nghiệm quý báu tích góp được trong gần 40 năm công tác trong quân đội và 7 năm tham gia công tác tại địa phương từ sau khi nghỉ hưu, ông đã đóng góp nhiều kinh nghiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra giám sát của Đảng ủy, được Đảng bộ xã Thủy Xuân Tiên, các chi bộ và cán bộ, Đảng viên tin yêu mến phục.

Ông Phạm Gia Giáo tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

 Ngoài thời gian tham gia các nhiệm vụ ở thôn, ở xã, ông Phạm Gia Giáo còn tích cực tham gia xây dựng các Câu lạc bộ dưỡng sinh, các đội văn nghệ, Câu lạc bộ thể dục thể thao. Đặc biệt, Câu lạc bộ Di sản thơ Luật Đường Việt Nam - Huyện Chương Mỹ do ông làm Chủ nhiệm luôn hoạt động đều đặn từ năm 2014 đến nay. Câu lạc bộ hiện có 36 hội viên, đến từ nhiều quận huyện trong thành phố và nhiều xã trong huyện Chương Mỹ. Đến nay, Câu lạc bộ đã xuất bản được 4 tập thơ với hơn 1.000 bài thơ Đường. Mỗi bài thơ là những cảm nhận sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, những phong cảnh đẹp, những truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Ông cho biết: Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về ông đều làm những bài thơ với chủ đề mừng Đảng, mừng xuân, mừng huyện Chương Mỹ, xã Thủy Xuân Tiên ngày một phát triển, đổi mới. Mỗi dịp sinh hoạt câu lạc bộ hay các hội thơ do huyện, do xã tổ chức ông đều phấn khởi tham gia. Đây chính là dịp để những người cao tuổi như ông được giao lưu, là niềm khích lệ để sống vui, sống khỏe hơn. Ông cũng suy nghĩ rằng để sáng tác ra 1 bài thơ phải cần sự tập trung, vận động trí não chính vì vậy làm thơ cũng là một cách để rèn luyện trí tuệ của mình, không để bị mai một, không để trí già theo tuổi.

Chia tay ông Phạm Gia Giáo trong tiết trời mùa xuân, những chồi non lộc biếc đang vươn mình chào đón những giọt mưa xuân lất phất mà ấm áp của đất trời, những vần thơ mừng xuân Giáp Thìn của ông vẫn như còn văng vẳng đâu đây:

Quý Mão năm qua rực sắc vàng

Giáp Thìn rộn rõ đón xuân sang

Nhân dân hạnh phúc lời trong trẻo

Đất nước thanh bình tiếng vọng vang

Nắng vẫy từng chiều hồng dưới xóm

Hoa mừng những sớm sáng trên làng

Việt Nam trọng nghĩa cùng hòa nhập

Dòng dõi Tiên Rồng thắm sử trang.


Tác giả: Nguyễn Thị Vân - CC VHXH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 99
Tháng 09 : 1.644
Tháng trước : 4.317
Năm 2024 : 28.157