A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cụ thể tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay

Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 7 chương, 54 điều. So với dự thảo Chính phủ trình giảm 5 điều (bỏ 7 điều và bổ sung mới 2 điều).

Dự thảo Luật được chỉnh lý bảo đảm các nguyên tắc: Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013; đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không thay thế toàn bộ các luật hiện hành; bám sát 9 nhóm chính sách đã được thông qua; cụ thể tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; những vấn đề ủy quyền thì quy định ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền theo pháp luật, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; thực hiện việc phân quyền mạnh, đồng thời quy định trách nhiệm tương ứng của Hà Nội gắn với quy trình, thủ tục và cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Tại cuộc họp, thành viên Tổ biên tập đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung như: nguyên tắc áp dụng pháp luật (quy định tại Điều 4); tổ chức chính quyền đô thị (quy định tại Chương II); cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (quy định tại Điều 25); biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (quy định tại Điều 33); khu vực TOD (quy định tại Khoản 4 Điều 31); quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng,...                            

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì phiên họp. 

Theo Dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc áp dụng Luật Thủ đô được quy định như sau: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó.

Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và việc áp dụng quy định đó thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ.  

Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao hoặc văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô.

Về tổ chức chính quyền ở thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn ở thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 Chính quyền địa phương ở phường tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

Cũng theo dự thảo Luật, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước...

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tổng hợp đầy đủ các ý kiến để nghiên cứu, chỉnh lý tại Dự thảo Luật. Đối với các nội dung còn chưa thống nhất, Vụ cần tổng hợp để xin ý kiến thành viên Tổ biên tập. Thứ trưởng cũng lưu ý, đây là Luật đặc thù nên cần xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội...


Tác giả: Thu Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 131
Hôm qua : 125
Tháng 09 : 2.012
Tháng trước : 4.317
Năm 2024 : 28.525