A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương Mỹ thúc đẩy chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Hiện nay cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này. Đây là cơ sở để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi.

Đặc biệt việc khuyến khích, vận động người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội (ASXH) thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) và có nhu cầu thực hiện chi trả không dùng tiền mặt nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu, hỗ trợ toàn diện người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH bằng nhiều hình thức.

Hiện nay trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 16.581 đối tượng đang thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong đó: đối tượng người có công là: 3.534 người; đối tượng bảo trợ xã hội là 12.384 người; đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 17, Nghị quyết 09 và bệnh hiểm nghèo là 698 người. Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt; thực hiện văn bản số 61/UBND-KSTTHC ngày 07/01/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc mở đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành công văn số 42/UBND-VHTT ngày 09/01/2024 về việc mở đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sác an sinh xã hội thực hiện chi trả không dùng tiền mặt; tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm tập trung thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chủ trì và có sự tham gia của thường trực Uỷ ban MTTQ huyện, các đoàn thể huyện; thành viên Ban chỉ đạo, thành viên tổ giúp việc Ban giúp đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số của huyện; lãnh đạo, các đội nghiệp vụ liên quan - công an huyện; lãnh đạo chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện; kho bạc nhà nước, Bưu điện Chương Mỹ cùng đại diện các đơn vị: Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chương Mỹ, Ngân hành TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (chi nhánh Xuân Mai); Viettel Chương Mỹ.

Ngay sau hội nghị, UBND huyện đã ban hành Thông báo số 43/TB-UBND kết luận của đồng chí Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện tại hội nghị triển khai đợt cao điểm tập trung thực hiện chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt. Theo đó, huyện sẽ tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt; lợi ích, ý nghĩa và hiệu quả của phương thức chi trả không dùng tiền mặt góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành và phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Triển khai tập trung cao điểm, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng và đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, nhằm hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi trong năm 2024. Cùng đó, UBND huyện chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể đến UBND các xã, thị trấn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Công an huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể huyện chỉ đạo các cấp hội và đoàn thể ở cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đợt cao điểm; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, phản ánh và nắm bắt tình hình dư luận nhân dân để phối hợp giải quyết. Các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội Phối hợp về xã trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động người hưởng chính sách an sinh xã hội hiểu về lợi ích của hình thức chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát thông tin và mở tài khoản cho người hưởng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân đang hưởng chính sách có thể dễ dàng nhận trợ cấp hàng tháng mà không cần phải đến các điểm chi trả.

Để thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả không dùng tiền mặt cho người có công, thân nhân người có công, người nhận bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Cùng đó rà soát, lập danh sách những trường hợp đăng ký sử dụng dịch vụ; phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản cho người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận trợ cấp.

Một số hình ảnh tuyên truyền tại các xã, thị trấn.

 

Tại thị trấn Xuân Mai, bà Mai Thị Thanh - Phó Chủ tịch UBND cho biết: UBND thị trấn Xuân Mai có trên 600 người đang hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong đó, NCC là 215, đối tượng bảo trợ xã hội trên 400 người. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị, UBND thị trấn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. UBND thị trấn đã tổ chức hội nghị triển khai đến Ban thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, ủy ban MTTQ, các ngành đoàn thể, tổ đề án 06, tổ công nghệ số cộng đồng, tổ trường tổ dân phố. Tiếp đó, UBND thị trấn đã và đang tổ chức tuyên truyền chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt đến 100% đối tượng thụ hưởng trợ cấp an sinh xã hội tại các nhà văn hóa của tổ dân phố phấn đấu xong trong ngày 13/1/2024. Mục tiêu của thị trấn phấn đấu tuyên truyền 100% các đối tượng được hưởng đã có tài khoản đăng ký chi trả không dùng tiền mặt, các trường hợp chưa có tài khoản tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền vận động đăng ký mở tài khoản để thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt. Đối với các trường hợp bất khả kháng không thể nhận chi trả không dùng tiền mặt UBND thị trấn sẽ chỉ đạo các ngành hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi để người nhận trợ cấp được thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, UBND thị trấn sẽ tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về lợi ích của việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt. Tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với người có công, thân nhân của họ và những người thuộc diện bảo trợ xã hội để phổ biến chủ trương, tính ưu việt. Những trường hợp không dự buổi tuyên truyền thì sẽ cử cán bộ gọi điện hoặc đến trực tiếp để tuyên truyền.

Anh Phạm Văn Hoàn - bố cháu Phạm Vũ Long - người hưởng chế độ bảo trợ xã hội trẻ em khuyết tật với số tiền trên 600 nghìn đồng/tháng tại tổ dân phố Tiên Trượng đồng tình ủng hộ với việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Anh chia sẻ: việc chi trả không dùng tiền mặt rất tiện ích, người nhận tiền chủ động thời gian, không mất thời gian đi lại mỗi khi nhận trợ cấp. Cũng tại đây, bà Nguyễn Thị Thế người nhà cụ Nguyễn Thị Thắng – người đang hưởng chế độ trợ cấp người cao tuổi hàng tháng vô cùng phấn khởi, đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bà Thế cho biết thêm: Được cán bộ xã giới thiệu về chủ trương của nhà nước, bà nhất trí đăng ký sử dụng tài khoản để nhận tiền bởi nhận thấy việc nhận tiền qua tài khoản có nhiều lợi ích khi không mất thời gian làm thủ tục và an toàn.   

Tại xã Lam Điền, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ứng Hòa đồng chí Đặng Đình Thảnh cho biết, thôn có 146 người có công, hưởng trợ cấp xã hội. Trong buổi sáng 11/01, tổ công tác Đề án 06 của thôn đã tuyên truyền cho 81 người về tiện ích của việc chi trả chính sách an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt, như: Tăng độ an toàn, tránh các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Chuyển tiền nhanh chóng, chính xác số tiền cần thanh toán. Không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân. Bên cạnh đó, việc chi trả và thanh toán không dùng tiền mặt còn đem lại nhiều lợi ích đối với xã hội và việc phát triển kinh tế đất nước như giảm chi phí in ấn tiền, chi phí vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền...

Sau khi được tuyên truyền bà Đặng Thị Nhẫn, người dân thôn Ứng Hòa, đang thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công khẳng định sẽ đăng ký tài khoản ngân hàng để nhận tiền tiền hằng tháng. “Từ trước đến nay, tôi vẫn phải trực tiếp lên nhà văn hóa thôn để lĩnh khoản tiền này. Giờ có tài khoản, được chi trả qua tài khoản, tôi sẽ không phải đi lĩnh tiền, hay phải đến nhà văn hóa thanh toán các loại tiền điện, nước...”, bà Đặng Thị Nhẫn phấn khởi nói.

Tương tự, ông Đào Kim Luyến, người dân thôn 1 (xã Quảng Bị), là thương binh nặng, cho biết: “Tôi thấy nếu việc chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng là rất thuận tiện vì lắm lúc đi lĩnh tiền về nhưng cũng chưa dùng tới, nếu để trong tài khoản thì an toàn, lại phát sinh lãi. Đặc biệt, với những người tuổi cao và sức khỏe yếu như tôi thì rất ngại việc phải đi lại nhiều...

Với sự vào cuộc tích cực, bài bản của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, huyện Chương Mỹ hoàn toàn có thể đạt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển đổi số, tăng số lượng người dân đăng ký chi trả an sinh xã hội qua tài khoản, không dùng tiền mặt...

 


Tác giả: Thu Hiền
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 129
Tháng 09 : 2.147
Tháng trước : 4.317
Năm 2024 : 28.660