A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Học sinh toàn thành phố nghỉ học từ ngày 7/9 đến khi bão tan

Ngày 6/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các trường trực thuộc sở về chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn thành phố.

Dự báo vị trí hướng di chuyển của báo số 3 (Yagi). Ảnh: TL

Dự báo vị trí hướng di chuyển của báo số 3 (Yagi)

Theo đó, học sinh toàn thành phố nghỉ học (bao gồm học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá) từ ngày 7/9 đến khi bão tan để phòng tránh bão và đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án báo cáo các đơn vị có thẩm quyền, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và công trình trường học; di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, tài liệu, sách vở… đến nơi không có nguy cơ ngập úng để tránh hư hại, hỏng hóc, mất mát; hạn chế tối đa thiệt hại do bão, nhất là tại các cơ sở giáo dục có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất; tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học.

Trước đó, thực hiện Công điện số 1170/CĐ-BGDĐT ngày 4/9/2024 của Bộ GD&ĐT; Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/9/2024 của UBND Thành phố về việc chủ động ứng phó bão số 3, để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở tập trung triển khai thực hiện 5 nội dung.

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của TƯ và TP trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phụ hậu quả thiên tai, sự cố. 

Thứ hai, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai chủ động rà soát sẵn sàng các kế hoạch, triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ” phù hợp với điều kiện nhà trường; rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ thì phải báo cáo để xử lý kịp thời, trường hợp chưa thực hiện ngay được thì phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lí trong thời gian sớm nhất. 

Thứ ba, có phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. 

Thứ tư, chủ động vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra; dọn dẹp vệ sinh trường lớp ngay sau mưa bão đảm bảo an toàn, sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. 

Thứ năm, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý khắc phục, đồng thời báo cáo về Sở GD&ĐT.


Tác giả: Nguyễn Thị Vân - CC VHXH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 99
Tháng 09 : 1.644
Tháng trước : 4.317
Năm 2024 : 28.157